“Ba yếu tố để làm nên một bộ phim hay đó là: Kịch bản, Kịch bản và Kịch bản” Alfred Hitchcock.
Đây cũng là yếu tố thiếu hụt lớn nhất tại thị trường phim ảnh của Việt Nam. Trong khi các khâu kỹ thuật liên quan đến phần hình ảnh, màu sắc, hậu kỳ, vfx… hoàn toàn không thua kém bất cứ nền điện ảnh nào trên thế giới thì khủng hoảng từ việc thiếu kịch bản hay vẫn là điều khiến các nhà làm phim đau đầu, nhất là khi nhu cầu thưởng thức của công chúng ngày một đa dạng.
Vì vậy việc lựa chọn thực hiện một bộ phim chuyển thể, phim remake, phim kịch bản gốc là một hướng đi hợp lý, nhanh chóng, kinh tế về mặt thời gian tìm kiếm, xây dựng ý tưởng và an toàn về lợi nhuận. Tất nhiên về lâu dài đây không phải là phương thức tốt nhưng những bộ phim được làm chất lượng sẽ bù đắp một phần nào đó nhu cầu của người xem và cũng là cách giúp các nhà làm phim có thêm kinh nghiệm thực tế.
Tuy nhiên, xu hướng này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thất bại cho dù những dự án chuyển thể đều được lựa chọn từ các tác phẩm gốc nổi tiếng, được đánh giá tốt trước đó. Bắt đầu nhận được sự chú ý từ 2015, bên mảng điện ảnh có hơn chục phim được chuyển thể nhưng chỉ một số ít phim thành công về mặt thương mại và nhận được những đánh giá tích cực từ khán giả như “Em Là Bà Nội Của Anh”, “Ông Ngoại Tuổi 30”, “Tiệc Trăng Máu”, “Tháng Năm Rực Rỡ”, “Anh Trai Yêu Quái”… hay gần đây là bộ phim hài vừa công chiếu vào dịp Tết Nhâm Dần, “Chìa Khoá Trăm Tỷ” của đạo diễn Võ Thanh Hòa.
Những phim Việt Nam chuyển thể được thực hiện chỉn chu
Điểm chung cho những phim Việt Nam chuyển thể tốt là có được sự chỉn chu về mặt kỹ thuật, kịch bản được chỉnh sửa phù hợp với văn hoá người Việt, có nhiều chi tiết nhỏ quảng bá phong cảnh, đời sống, con người Việt… Cộng với diễn xuất tốt từ dàn diễn viên chính nên những bộ phim này dễ dàng chạm đến trái tim khán giả.
“Em Là Bà Nội Của Anh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh được xem là một phim chuyển thể thành công khi phim lựa chọn đề tài gia đình nhiều thế hệ, khác biệt về tư tưởng và khơi dậy ước mơ trong mỗi con người dù họ ở bất kỳ độ tuổi nào. Bộ phim được nhận xét là giống đến 90% các tình tiết của nguyên tác. Tuy nhiên vẫn ghi điểm bởi nhưng thay đổi nhỏ, khá sáng tạo khi lồng ghép cuộc đời nhiều biến động của nhân vật chính bà Đại (Miu Lê) với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
“Tháng Năm Rực Rỡ” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, cũng là một phim Việt Nam chuyển thể tốt khi không chỉ thể hiện tốt cốt truyện gốc, mà còn tái hiện được không khí hoài niệm xưa cũ, thông qua “xứ sở hoa” Đà Lạt, âm nhạc, thời trang, lối sống và cả những biến động lịch sử của thời đại.
Những phim chuyển thể lồng ghép các yếu tố Việt
Hay gần đây là “Tiệc Trăng Máu” cũng được nhận xét tốt về chất lượng và có doanh thu cao, 175 tỷ đồng sau công chiếu. Bộ phim bám sát vào các phiên bản gốc nhưng các yếu tố “drama kịch tính” lại không mấy xa lạ với người Việt. Sống giữa xã hội hiện đại, ai cũng có sở hữu một chiếc điện thoại và một trò chơi đơn giản khiến những bí mật sâu kín của mỗi người bị phơi bày là một câu chuyện không bao giờ cũ. Hơn nữa phần diễn xuất của các diễn viên thật sự mới là yếu tố lớn khiến “Tiệc Trăng Máu” trở thành phim chuyển thể thành công.
Ra mắt vào mùng 1 Tết Nhâm Dần 2022, “Chìa Khoá Trăm Tỷ” của đạo diễn Võ Thanh Hòa cũng hứa hẹn đem lại cảm giác giải trí hấp dẫn và có nhiều tiềm năng nhưng những tác phẩm chuyển thể kể trên. Phim lựa chọn câu chuyện hoán đổi hài hước, theo lối rom-com hiện đại, cộng thêm dàn diễn viên Thu Trang và Kiều Minh Tuấn là những gương mặt luôn thể hiện tốt nét diễn tự nhiên, lôi cuốn của họ trong các vai diễn trước đây.
Chìa Khoá Trăm Tỷ hứa hẹn sẽ là tác phẩm chuyển thể tốt
Hơn nữa “Chìa Khoá Trăm Tỷ” cũng được xem là phim Việt Nam chuyển thể khá tốt khi phim còn khéo léo lồng ghép và thay đổi khá nhiều chi tiết, tình huống nhỏ một cách sáng tạo, để đem đến cảm giác mới mẻ hoặc theo hướng gần gũi, gợi sự thân thuộc với khán giả như tình cảm gia đình, quán bún đậu, bác xích lô, tiệm hớt tóc xưa, hộp Danisa, nhân vật Mai Mai làm tài xế hay drama đánh ghen hài hước…